07/05/2025
Ứng dụng chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Xu hướng tất yếu và hiệu quả thiết thực
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại Việt Nam đã trở thành xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và giúp người dân tiếp cận pháp luật một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tại Việt Nam đã trở thành xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và giúp người dân tiếp cận pháp luật một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 766/QĐ-TTg về việc triển khai Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật". Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại Việt Nam. Mục tiêu đến năm 2027, xây dựng kho dữ liệu pháp luật trên môi trường mạng, vận hành Cổng thông tin điện tử PBGDPL quốc gia và phấn đấu có ít nhất 60% người dân trong độ tuổi lao động được tiếp cận văn bản, quy định của pháp luật qua các ứng dụng công nghệ số.
Sản phẩm ứng dụng từ AI
Để đạt được mục tiêu này, Đề án đưa ra nhiều giải pháp cụ thể: Xây dựng ứng dụng khảo sát trực tuyến, ứng dụng báo cáo tự động, ứng dụng lắng nghe dư luận để nắm bắt nhu cầu tìm hiểu, PBGDPL của người dân và doanh nghiệp; xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại chúng; xây dựng nền tảng sát hạch trực tuyến; bổ sung trợ lý pháp luật phục vụ công tác tìm kiếm thông minh trên Cổng TTĐT PBGDPL quốc gia cho người dùng.
Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác PBGDPL được xem là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc xây dựng hệ thống phần mềm trả lời tự động (Chatbot) kết hợp AI vào dữ liệu văn bản luật nhằm tự động hóa quá trình làm việc, giảm tải cho các chuyên viên tư vấn là một trong những giải pháp đáng chú ý.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng như: Xây dựng các chương trình, sản phẩm, tài liệu, ấn phẩm PBGDPL để đăng tải trên Cổng hoặc Trang Thông tin điện tử PBGDPL; PBGDPL trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình, mạng lưới thông tin cơ sở; tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL trực tuyến; tổ chức thi trực tuyến về kiến thức pháp luật.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời. Đây là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một xã hội pháp quyền, văn minh và hiện đại./.
Tâm Nhi