image banner
Quy định về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 01/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2025/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Theo đó, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ dừng lại ở theo dõi (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP), mà còn mở rộng ra toàn bộ công tác tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả xây dựng kế hoạch, hướng dẫn áp dụng, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và báo cáo. Điều này đảm bảo cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ từ tổ chức đến đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật.

Ngày 01/4/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2025/NĐ-CP nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 59 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025. Theo đó, Nghị định số 80/2025/NĐ-CP mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ dừng lại ở theo dõi (Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP), mà còn mở rộng ra toàn bộ công tác tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm cả xây dựng kế hoạch, hướng dẫn áp dụng, kiểm tra, sơ kết, tổng kết và báo cáo. Điều này đảm bảo cách tiếp cận toàn diện, đồng bộ từ tổ chức đến đánh giá hiệu quả thi hành pháp luật.

Nghị định cũng nêu rõ các nguyên tắc tổ chức thi hành pháp luật, bao gồm: khách quan, toàn diện, công khai, kịp thời, hiệu quả; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và sự tham gia của cá nhân, tổ chức trong tổ chức thi hành pháp luật; gắn kết giữa tổ chức thi hành pháp luật với xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Theo Nghị định, đối với Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thi hành trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày văn bản được thông qua. Sau đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành, các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai trong phạm vi thẩm quyền của mình.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định trình tự hướng dẫn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thi hành văn bản quy phạm pháp luật; thu thập thông tin về thi hành văn bản quy phạm pháp luật; kiểm tra công tác tổ chức thi hành pháp luật; trách nhiệm và quản lý nhà nước về công tác tổ chức thi hành pháp luật.

So với Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP trước đây chủ yếu nhấn mạnh theo dõi và báo cáo định kỳ thì tại Nghị định số 80/2025/NĐ-CP quy định bắt buộc sơ kết, tổng kết đối với văn bản quy phạm pháp luật, nhằm đánh giá thực chất hiệu quả tổ chức thi hành và làm cơ sở hoàn thiện pháp luật; theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản có trách nhiệm tổ chức sơ kết, tổng kết việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Báo cáo sơ kết, tổng kết bao gồm các nội dung như: công tác chỉ đạo, triển khai và tổ chức thi hành văn bản; kết quả thi hành; khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân; xác định những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; kiến nghị giải pháp để khắc phục khó khăn, vướng mắc, biện pháp nâng cao hiệu quả thi hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Kinh phí cho tổ chức thi hành pháp luật do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và nguồn hỗ trợ từ các dự án, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Đồng thời, khuyến khích tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tổ chức thi hành pháp luật. Đây là điểm mới hoàn toàn trong Nghị định số 80/2025/NĐ-CP, phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong quản lý nhà nước hiện nay. Các quy định yêu cầu tăng cường sử dụng phần mềm, dữ liệu điện tử, trí tuệ nhân tạo trong quản lý, giám sát việc thi hành pháp luật.

Nghị định số 80/2025/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày kí ban hành và thay thế các quy định trước đây về theo dõi thi hành pháp luật, cụ thể là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP và Nghị định số 32/2020/NĐ-CP.

Thanh Thảo

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH ĐẮK NÔNG

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vận hành: Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông

Địa chỉ: Số 11, Đường Lê Duẩn, Phường Nghĩa Tân, Thành phố Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông

- Điện thoại: 02613.543140 - Fax: 02613.543140 - Email: pbgdpl.stp@daknong.gov.vn

Trưởng Ban biên tập: Ông TrầnThanh Tài - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 ipv6 ready