Một số quy định liên quan đến người Khuyết Tật trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024
Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Đáng chú ý, tại Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (Luật 2024) đã thể chế hoá nhiều quy định cụ thể, quy định mới liên quan đến “người khuyết tật” so với Luật giao thông đường bộ năm 2008 (Luật 2008). Cụ thể:
Thứ nhất, về chính sách của Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan đến người khuyết tật
Lần đầu tiên, chính sách tạo thuận lợi cho người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ đã được quy định cụ thể trong Luật 2024. Theo đó, tại Điều 4 đã quy định một trong những chính sách là “Bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho … người khuyết tật trong tham gia giao thông đường bộ…”.
Thứ hai, liên quan đến quy định về tín hiệu đèn giao thông
Luật 2008 quy định tín hiệu đèn giao thông có ba mầu, quy định như sau: tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 11 Luật 2024 đã quy định Tín hiệu đèn giao thông có 03 màu, gồm: màu xanh, màu vàng, màu đỏ; có hiển thị thời gian hoặc không hiển thị thời gian. Người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành như sau: Tín hiệu đèn màu xanh là được đi; trường hợp người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Tín hiệu đèn màu vàng phải dừng lại trước vạch dừng; trường hợp đang đi trên vạch dừng hoặc đã đi qua vạch dừng mà tín hiệu đèn màu vàng thì được đi tiếp; trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ được đi nhưng phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường hoặc các phương tiện khác. Tín hiệu đèn màu đỏ là cấm đi.
Thứ ba, liên quan đến tốc độ xe và khoảng cách giữa các xe
Tại Điều 12 Luật 2024 đã quy định cụ thể người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn trong 13 trường hợp, trong đó có trường hợp “tại nơi có vạch kẻ đường hoặc báo hiệu khác dành cho người đi bộ hoặc tại nơi mà người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường”. Luật 2008 không quy định cụ thể nội dung này.
Thứ tư, liên quan đến quy định người khuyết tật tham gia giao thông đường bộ
Luật 2008 và Luật 2024 đều quy định mọi người có trách nhiệm giúp đỡ người khuyết tật khi đi qua đường. Tuy nhiên, tại Luật 2008 chỉ quy định người khuyết tật sử dụng xe lăn không có động cơ được đi trên hè phố và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ. Trong Luật 2024 quy định cụ thể hơn, người khuyết tật sử dụng xe lăn có động cơ hoặc không có động cơ phải đi trên vỉa hè, lề đường và nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ và xe thô sơ.
Thứ năm, bổ sung trường hợp được “chở ba”
Luật 2008 quy định có 03 trường hợp người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe gắn máy được chở tối đa hai người gồm: chở người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi.
Luật 2024 ngoài việc kế thừa 03 trường hợp (có sửa đối tượng “trẻ em dưới 12 tuổi”) thì đã bổ sung thêm 01 trường hợp được chở tối đa hai người là chở “Người già yếu hoặc người khuyết tật”.
Thứ sáu, quy định về giấy phép lái xe
Ngoài việc kế thừa quy định “Người khuyết tật điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật được cấp giấy phép lái xe hạng A1” của Luật 2008 thì Luật 2024 đã quy định “Người khuyết tật điều khiển xe ô tô số tự động có kết cấu phù hợp với tình trạng khuyết tật thì được cấp giấy phép lái xe hạng B”.
Với những quy định nêu trên, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 đã góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến người khuyết tật trong hệ thống pháp luật. Các quy định về người khuyết tật ngày càng được chú trọng, mang tính điều chỉnh cụ thể, thiết thực, nhân văn góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, hài hòa với hệ thống pháp luật trong nước, tạo hành lang pháp lý toàn diện nhằm bảo vệ đối tượng “yếu thế” trong xã hội./.