image banner
Tăng cường tuyên truyền thu hút, hấp dẫn đối với sự tự nguyện lựa chọn đấu giá tài sản

   Lựa chọn bán tài sản thông qua hình thức bán đấu giá sẽ khai thác được nhiều lợi thế của nghiệp vụ bán đấu giá như: Một tài sản sẽ phát huy tối đa giá trị của nó khi có người biết khai thác tối đa các tính chất, công dụng, khả năng của nó, đôi khi các công dụng và khả năng được khai thác sử dụng ngoài mục đích thiết kế ban đầu. Ngoài ra, việc lựa chọn bán đấu giá tài sản sẽ bán được giá cao nhất do thông tin công khai, minh bạch nên dễ tiếp cận người có nhu cầu thực sự hoặc người có thể khai thác tối đa các giá trị, lợi ích của tài sản khi đưa vào môi trường khác, mục đích khác của tài sản. Khi những người có nhu cầu thực sự muốn mua tài sản, họ sẵn sàng trả giá cao hơn giá trị còn lại của tài sản. Đặc biệt đối với những tài sản có số lượng hạn chế hoặc với những tài sản có nhiều người quan tâm, muốn sở hữu. Việc trả giá cao để có thể sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó là hoàn toàn bình thường. Có cuộc đấu giá tài sản nhiều người tham gia đã trả giá cao hơn, vượt xa kỳ vọng của chủ tài sản.

   Khi xảy ra tranh chấp tài sản thông qua bán đấu giá được pháp luật bảo vệ (quy định tại Điều 47, Điều 48 Luật Đấu giá tài sản năm 2016, được sửa đổi, bổ sung năm 2024; tại Điều 133 Bộ luật Dân snăm 2015).

Việc lựa chọn bán đấu giá tài sản hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm so với một số kênh giao dịch khác trên thị trường như: Không bị thiệt hại về kinh tế do chênh lệch giá trị tài sản giữa người bán và người mua thông qua trung gian. Không bị phiền nhiễu, ép giá bởi các công ty trung gian, cá nhân trung gian, do các cuộc gọi đột xuất và lịch hẹn đột xuất của khách hàng và bên trung gian khi xem tài sản. Khắc phục được tình trạng lợi ích nhóm hoặc lợi ích của bên trung gian dẫn đến không kết nối giao dịch giữa chủ tài sản và khách hàng. Qua bán đấu giá khi có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá và đủ số lượng theo quy định, doanh nghiệp đấu giá phải tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Giải quyết được tình huống khó xử khi có nhiều người thân, quen muốn mua tài sản đó, nhưng chủ tài sản lại không muốn bán với giá rẻ và không muốn mất lòng những người thân quen đó.

   Hiện nay, trong cả nước có hơn 1.200 đấu giá viên, gần 600 tổ chức đấu giá tài sản, trong đó có 57 Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó 36/57 Trung tâm đã tự chủ 100%  kinh phí; 21/57 Trung tâm được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí và đã có lộ trình tự chủ 100%). Các tổ chức đấu giá tài sản đã thực hiện nhiều cuộc đấu giá thành công với giá trị tài sản bán được cao hơn nhiều lần so với giá khởi điểm, nộp ngân sách nhà nước đạt giá trị lớn, qua đó, góp phần tạo nguồn lực cho hoạt động đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Theo số liệu thống kê, từ tháng 7/2017 đến ngày 31/12/2022, các tổ chức đấu giá tài sản đã tổ chức hơn 200.000 cuộc đấu giá, chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm là gần 110.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hoạt động đấu giá chủ yếu tập trung vào các tài sản mà theo quy định của pháp luật bắt buộc phải đấu giá, có rất ít tổ chức, cá nhân tự nguyện lựa chọn dịch vụ đấu giá để xử lý tài sản của mình mà chủ yếu thường tự bán tài sản.

   Nguyên nhân là do điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta đang phát triển, nhận thức của cơ quan nhà nước, tổ chức, người dân, đặc biệt là các chủ thể có liên quan về hoạt động đấu giá chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Bên cạnh đó, do truyền thống tâm lý của tổ chức, cá nhân còn e ngại việc công khai tài sản khi đấu giá, ngại tiếp cận các thủ tục đấu giá và thanh toán các chi phí đấu giá đã làm cho phương thức đấu giá trở nên thiếu sức hấp dẫn đối với sự tự nguyện lựa chọn đấu giá tài sản.

Để phát triển hoạt động đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường, đặc biệt là thu hút, hấp dẫn đối với sự tự nguyện lựa chọn đấu giá tài sản, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2024), Chỉ thị số 40/CT-TTg ngày 02/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức, thay đổi nhận thức của mọi người, để họ biết được những lợi ích của việc đấu giá tài sản, cung cấp thông tin để minh chứng sự chênh lệch giữa giá trúng đấu giá và giá khởi điểm, so sánh với giá thị trường từ các kênh bán thông thường, công khai các khoản chi phí, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, các phương án đấu giá,…tạo sự tin tưởng đối với hoạt động bán đấu giá tài sản theo cơ chế thị trường./.

 

 

SỞ TƯ PHÁP TỈNH ĐĂK NÔNG

 TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH ĐẮK NÔNG (Cơ quan chủ quản: Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông)

Địa chỉ: Số 11, Đường Lê Duẩn, Phường Nghĩa Tân, Thành phố Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông

- Điện thoại: 02613.543140 - Fax: 02613.543140 - Email: banbientap.pbgdpl@gmail.com

Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Văn Diêu