Một số nội dung liên quan đến cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 1, Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi, bổ sung bởi khoản 43, Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020) quy định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính được áp dụng đối với các trướng hợp sau đây:
1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định.
2. Cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không tự nguyện hoàn trả kinh phí cho cơ quan đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
* Thẩm quyền cưỡng chế:
Thẩm quyền cưỡng chế được quy định tại Điều 87, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền cưỡng chế có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao. Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.
Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng (khoản 2, Điều 10, Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính).
* Các biện pháp cưỡng chế:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì các biện pháp cưỡng chế bao gồm: (1) Khấu trừ một phần lương hoặc một phần thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm; (2) Kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá; (3) Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính do cá nhân, tổ chức khác đang giữ trong trường hợp cá nhân, tổ chức sau khi vi phạm cố tình tẩu tán tài sản; (4) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 3, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo thứ tự quy định nêu trên. Chỉ áp dụng các biện pháp tiếp theo khi không thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế đó hoặc đã áp dụng nhưng chưa thu đủ số tiền bị cưỡng chế theo quyết định cưỡng chế.
* Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế
Quyết định cưỡng chế phải được thi hành ngay khi cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế nhận được quyết định cưỡng chế. Thời hạn thi hành quyết định cưỡng chế là 15 ngày, kể từ ngày nhận quyết định cưỡng chế; trường hợp quyết định cưỡng chế có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 15 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Thực tế thi hành pháp luật hiện nay có những Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi ban hành vì những lý do, điều kiện nào đó không được thi hành ngay, thời gian thi hành tới 1 năm hoặc đến khi quá thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến việc thi hành quyết định xử phạt kéo dài hoặc không thể ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đó nữa.
* Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế:
Thời hiệu thi hành quyết định cưỡng chế được tính kể từ ngày ra quyết định cưỡng chế cho đến thời điểm chấm dứt hiệu lực thi hành của quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1, Điều 74 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; quá thời hạn này thì không thi hành quyết định cưỡng chế đó, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải cưỡng chế tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đó.
Ngoài ra, Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn quy định về trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra trong trường hợp không áp dụng xử phạt./.