Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014; ngày 26 tháng 11 năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều với một số điểm mới đáng chú ý như sau:
Để khắc phục những bất cập trong quy định của Luật Công chứng năm 2014; ngày 26 tháng 11 năm 2024, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng năm 2024 gồm 08 chương 76 Điều với một số điểm mới đáng chú ý như sau:
1. Xác định đúng phạm vi hoạt động công chứng và thẩm quyền của Công chứng viên:
Luật Công chứng năm 2024 quy định công chứng là dịch vụ công do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng thực hiện để chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của giao dịch mà luật quy định phải công chứng, luật giao Chính phủ quy định phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.
Như vậy, Luật Công chứng năm 2024 xác định rõ công chứng là dịch vụ công, Nhà nước ủy nhiệm cho công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng thực hiện.
2. Bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng:
So với Luật Công chứng năm 2014 có quy định về các trường hợp được miễn đào tạo nghề công chứng (tại Điều 10); Luật Công chứng năm 2024 đã bỏ quy định về miễn đào tạo nghề công chứng, theo đó, thời gian đào tạo nghề công chứng là 12 tháng, trừ một số đối tượng có trình độ pháp luật cao, có thời gian giữ một số chức danh pháp lý cụ thể được giảm thời gian đào tạo nghề công chứng xuống còn 06 tháng (theo quy định tại Điều 11).
3. Sửa đổi, bổ sung một số tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên:
- Bổ sung quy định về độ tuổi hành nghề của công chứng viên; theo đó, Luật Công chứng năm 2024 quy định chỉ xem xét bổ nhiệm công chứng viên cho người không quá 70 tuổi. Đồng thời, quy định Công chứng viên quá 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ đủ 68 đến đủ 70 tuổi tại ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi đủ 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, công chứng viên đương nhiên miễn nhiệm.
- Bổ sung trình độ thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật vào tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên.
- Giảm thời gian công tác pháp luật tối thiểu tại cơ quan, tổ chức sau khi có bằng cử nhân luật hoặc thạc sĩ luật hoặc tiến sĩ luật từ 05 năm xuống 03 năm.
4. Bổ sung một số hành vi mới bị nghiêm cấm đối với công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng như:
- Nghiêm cấm công chứng viên:
+ Tham gia quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ngoài tổ chức hành nghề công chứng; thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ ngoài phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực.
+ Cho người khác sử dụng quyết định bổ nhiệm công chứng viên, thẻ công chứng viên của mình.
+ Đầu tư toàn bộ hoặc góp vốn với công chứng viên khác để thành lập, nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh mà không tham gia hợp danh vào Văn phòng công chứng đó; góp vốn, nhận góp vốn, hợp tác với tổ chức, cá nhân không phải là công chứng viên để thành lập, nhận chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh; đầu tư để thành lập hoặc mua Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân mà không làm Trưởng Văn phòng công chứng đó.
- Nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng:
+ Cho người không đủ điều kiện hành nghề công chứng hoặc công chứng viên đang bị tạm đình chỉ hành nghề công chứng thực hiện việc công chứng, chứng thực tại tổ chức mình.
+ Cho công chứng viên thực hiện việc công chứng, chứng thực tại tổ chức mình khi tổ chức hành nghề công chứng bị thu hồi quyết định cho phép thành lập.
5. Sửa đổi quy định về tên gọi của Văn phòng công chứng:
Luật Công chứng năm 2024 quy định Tên của Văn phòng công chứng bao gồm cụm từ “Văn phòng công chứng” và tên riêng bằng tiếng Việt do các thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh thỏa thuận lựa chọn hoặc công chứng viên là Trưởng Văn phòng công chứng của Văn phòng công chứng được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân lựa chọn, bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Như vậy, Tên của Văn phòng công chứng theo quy định tại Luật Công chứng năm 2024 không còn bắt buộc phải kèm theo họ tên của Trưởng Văn phòng hoặc họ tên của một công chứng viên hợp danh khác của Văn phòng công chứng như quy định tại Luật Công chứng năm 2014.