04/03/2025
Cấp xã không được ban hành văn bản quy phạm pháp luật
Ngày 19/02/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Luật 2025) thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi năm 2020) và có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2025.
Ngày 19/02/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (gọi tắt là Luật 2025) thay thế Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi năm 2020) và có hiệu lực kể từ ngày 01/4/2025.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản QPPL 2025
Luật 2025 ngoài bố cục có sự cắt giảm số lượng điều khá nhiều so với Luật 2015 (đã giảm 101 điều so với Luật 2015) thì nội dung cũng có nhiều điểm mới đáng lưu ý:
Trong đó về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương đã bỏ hình thức ban hành nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND cấp xã. Đồng thời, tại điều khoản chuyển tiếp có quy định: Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân cấp xã được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ hoặc bị bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan, người có thẩm quyền.
Về nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nhấn mạnh vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam theo đó bổ sung nguyên tắc: Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam trong trong xây dựng văn bản QPPL.
Về quy trình xây dựng chính sách: Luật 2025 chỉ quy định đối với các trường hợp xây dựng: Luật, pháp lệnh mới; luật, pháp lệnh thay thế các luật, pháp lệnh hiện hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; Nghị quyết thí điểm của Quốc hội. Trước đây, Luật 2015 quy định xây dựng chính sách đối với cả nghị quyết của HĐND cấp tỉnh.
Về các trường hợp xây dựng văn bản QPPL theo thủ tục rút gọn: Bổ sung đối với trường hợp ban hành văn bản quy định chi tiết của văn bản quy phạm pháp luật.
Một điểm mới tại Luật 2025 cần lưu ý đó là việc bổ sung cho phép được quy định hiệu lực trở về trước tại văn bản QPPL cấp tỉnh.
Ngoài ra, Luật 2025 cũng quy định các văn bản quy định chi tiết không đương nhiên hết hiệu lực theo văn bản được quy định chi tiết mà chỉ hết hiệu lực khi được công bố hết hiệu lực. Cụ thể, tại Điều 57 Luật 2025 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần do có văn bản quy phạm pháp luật khác thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung thì văn bản quy định chi tiết, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức, hướng dẫn thi hành văn bản đó tiếp tục có hiệu lực trong trường hợp không trái với văn bản quy phạm pháp luật thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung, trừ trường hợp được công bố hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần. Văn bản công bố phải được đăng tải trên công báo điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
Võ Thảo