Ảnh hưởng của việc rút bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động
Thời gian qua, chính sách BHXH, BHYT đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, lan tỏa cả chiều rộng và chiều sâu; người lao động (NLĐ) và các tầng lớp Nhân dân ngày càng hiểu rõ giá trị, lợi ích của chính sách, từ đó tích cực, chủ động tham gia; niềm tin vào chính sách ngày càng được củng cố và tăng cường. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang trong quá trình hoàn thiện, số người nhận BHXH một lần có xu hướng tăng ở nhiều địa phương.
Như vậy, việc rút BHXH một lần có ảnh hưởng gì đến NLĐ?
- Thứ nhất, khi nhận BHXH một lần, NLĐ có thể sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu, không có điều kiện vật chất đảm bảo ổn định cuộc sống lúc tuổi già; cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi tuổi già và chế độ tử tuất (như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng).
- Thứ hai, NLĐ nhận BHXH một lần thiệt thòi rất lớn: NLĐ sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014; so sánh với việc tích lũy thời gian để hưởng lương hưu thì thiệt thòi là rất lớn.
Ví dụ: Giả sử người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH (từ năm 2003-2022) bao gồm 11 năm trước 2014 và 9 năm từ năm 2014 trở đi, với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là 6 triệu đồng/tháng. Giả định NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng BHXH một lần trong năm 2024, thì NLĐ sẽ nhận được số tiền, cụ thể như sau:
1. Trường hợp khi rút BHXH một lần số tiền nhận được sẽ là:
6.000.000 đồng x (1,5 x 11 năm + 2 x 9 năm) = 207.000.000 đồng.
2. Trường hợp người lao động đã đóng BHXH đủ 20 năm đến khi đủ điều kiện về tuổi đời được hưởng lương hưu thì tổng các quyền lợi nhận được như sau:
- Đối với lao động nam (đủ 61 tuổi, dựa trên căn cứ tính theo tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, như vậy số tháng hưởng lương hưu tạm tính là 10,1 năm, tương đương 121 tháng):
+ Tỷ lệ hưởng 45%, mức lương hưu là 6.000.000 x 45% = 2.700.000 đồng.
Tổng tiền lương hưu nhận được là: 121 x 2.700.000 đồng = 326.700.000 đồng.
+ Mua thẻ BHYT (4,5% lương hưu hằng tháng):
4,5% x 121 x 2.700.000 = 14.701.500 đồng.
+ Trợ cấp mai táng phí (10 tháng lương cơ sở): 18.000.000 đồng.
+ Trợ cấp tuất một lần (03 tháng lương hưu trước khi chết): 8.100.000 đồng.
Tổng số tiền được hưởng từ quỹ BHXH là: 367.501.500 đồng.
- Đối với lao động nữ (đủ 56 tuổi 4 tháng, dựa trên căn cứ tính theo tuổi thọ trung bình của nữ giới là 76,5 tuổi, như vậy số tháng hưởng lương hưu tạm tính là 20 năm 2 tháng, tương đương 242 tháng):
+ Tỷ lệ hưởng 55%, mức lương hưu là 6.000.000 x 55% = 3.300.000 đồng.
Tổng tiền lương hưu nhận được là: 242 x 3.300.000 đồng = 798.600.000 đồng.
+ Mua thẻ BHYT (4,5% lương hưu hằng tháng):
4,5% x 242 x 3.300.000 = 35.937.000 đồng.
+ Trợ cấp mai táng phí (10 tháng lương cơ sở): 18.000.000 đồng.
+ Trợ cấp tuất một lần (03 tháng lương hưu trước khi chết): 9.900.000 đồng
Tổng số tiền được hưởng từ quỹ BHXH là: 862.437.000 đồng./.
- Thứ ba, khi NLĐ đã nhận BHXH một lần, nếu tiếp tục quay lại tham gia BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng BHXH trước đó, dẫn đến NLĐ có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu cũng không cao. Do đó, cần truyền thông để NLĐ bảo lưu thời gian đóng BHXH, khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện để được cộng nối thời gian tham gia BHXH trước đó và hưởng chế độ hưu trí với mức hưởng lương hưu cao hơn (BHXH vận hành theo cơ chế đóng - hưởng, thời gian đóng BHXH càng nhiều thì mức hưởng càng cao).
Những lợi ích gì khi NLĐ tham gia và duy trì BHXH?
- Tham gia BHXH, khi về già được hưởng lương hưu đảm bảo cuộc sống và được cấp thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe, đây là bản chất nhân văn của chính sách. Thời gian đóng BHXH chính là thành quả của quá trình lao động, là khoản tích lũy của NLĐ khi còn sức khỏe, còn thu nhập để dành chăm lo cuộc sống và sức khoẻ khi về già.
- NLĐ có lương hưu, đồng nghĩa với việc sẽ có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng bảo đảm cuộc sống khi về già, giúp NLĐ tự chủ hơn trong cuộc sống của mình, không bị lệ thuộc vào gia đình và xã hội.
- Lương hưu được Nhà nước điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế, vì vậy, người hưởng lương hưu luôn được bảo toàn giá trị lương hưu, không gặp phải rủi ro khi đồng tiền mất giá.
- Được cấp thẻ BHYT miễn phí (với mức hưởng 95% chi phí khám, chữa bệnh) trong suốt thời gian hưởng lương hưu để chăm sóc sức khoẻ khi không may bị ốm đau, bệnh tật.
- Khi NLĐ qua đời, người lo mai táng sẽ được hưởng trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm mất) và thân nhân NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp tuất một lần hoặc trợ cấp tuất hằng tháng nếu đủ điều kiện theo quy định.
Như vậy, việc NLĐ ra khỏi hệ thống BHXH không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ, mà còn ảnh hưởng đến việc ổn định đời sống người dân và mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, bền vững của người dân tại mỗi địa phương./.