Trong thực tiễn, không phải mọi rủi ro trong kinh doanh đều đến từ thị trường. Nhiều khi, chính sự chủ quan trong việc quản lý giao dịch, nhân sự và chứng từ pháp lý lại đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Bản án số 02/2025/KDTM-PT ngày 04/3/2025 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông là một ví dụ điển hình, chứa đựng bài học sâu sắc cho cả bên bán (nguyên đơn) lẫn bên mua (bị đơn) trong các quan hệ mua bán hàng hóa.
Trong thực tiễn, không phải mọi rủi ro trong kinh doanh đều đến từ thị trường. Nhiều khi, chính sự chủ quan trong việc quản lý giao dịch, nhân sự và chứng từ pháp lý lại đẩy doanh nghiệp vào thế bị động. Bản án số 02/2025/KDTM-PT ngày 04/3/2025 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông là một ví dụ điển hình, chứa đựng bài học sâu sắc cho cả bên bán (nguyên đơn) lẫn bên mua (bị đơn) trong các quan hệ mua bán hàng hóa.
Một khoản nợ kéo dài gần 10 năm
Năm 2015, Công ty TNHH MTV TMSX VL, gọi tắt là Công ty VL (trụ sở tại Bình Dương) bán phân bón cho ông Nguyễn Xuân Đ, đại diện Hộ kinh doanh Nguyễn Xuân Đ tại tỉnh Đắk Nông. Hai bên không ký hợp đồng chính thức, nhưng đã lập Biên bản đối chiếu công nợ ngày 07/10/2015, xác nhận ông Đ còn nợ 127.900.000 đồng – có chữ ký của ông Đ. Sau nhiều năm đòi nợ không thành, Công ty VL khởi kiện, yêu cầu ông Đ thanh toán toàn bộ khoản nợ gốc và tiền lãi chậm trả theo Điều 306 Luật Thương mại 2005.
Bên mua cho rằng khoản nợ đã được thanh toán qua người trực tiếp thực hiện giao dịch
Ông Nguyễn Xuân Đ thừa nhận đã nhận phân bón và ký vào biên bản đối chiếu công nợ ngày 07/10/2015, xác nhận còn nợ 127.900.000 đồng. Tuy nhiên, ông cho rằng không ký hợp đồng mua bán với Công ty VL, mà chỉ giao dịch thực tế với hai cá nhân là ông Hoàng Vũ S và ông Lê Hữu C, những người giao hàng và thu tiền. Theo trình bày, sau khi xác nhận nợ, ông Đ đã giao lại tiền và phân bón, cụ thể là giao cho ông C gồm 40 bao phân và 34 triệu đồng tiền mặt; giao cho ông S gồm 76 bao phân Nutrimat và 26 triệu đồng tiền mặt. Ông Đ yêu cầu Tòa án khấu trừ toàn bộ các khoản đã giao cho ông C, ông S trên tổng số tiền nợ 127.900.000 đồng.
Trách nhiệm pháp lý được xác định rõ ràng thông qua kết quả xét xử
Sau hai cấp xét xử, Tòa án đã yêu cầu Công ty VL cung cấp hợp đồng lao động giữa Công ty và hai cá nhân là ông Hoàng Vũ S và ông Lê Hữu C. Phía Công ty xác nhận: Ông S từng là nhân viên của Công ty nhưng đã nghỉ việc và hợp đồng lao động đã bị hủy; tuy nhiên, không cung cấp được thời điểm cụ thể chấm dứt hợp đồng, cũng như không cung cấp được địa chỉ hiện tại của ông S. Trong khi đó, Công ty khẳng định ông C không phải là nhân viên và Công ty không biết ông C là ai. Mặc dù Công ty VL cho rằng ông S không giao lại tiền đã thu, nhưng chính Công ty cũng thừa nhận ông S là nhân viên thị trường phụ trách địa bàn xã Đ và chính các giao dịch giữa ông S với Đại lý của ông Đ đã dẫn đến Biên bản đối chiếu công nợ ngày 07/10/2015, ghi nhận số nợ 127.900.000 đồng. Ông S cũng ký xác nhận với tư cách “đại diện Công ty VL” tại một số giấy tờ sau thời điểm đối chiếu công nợ.
Từ đó, Tòa án chấp nhận khấu trừ khoản ông S đã nhận gồm: 26.000.000 đồng tiền mặt và 76 bao phân bón NuTriMax trị giá 53.200.000 đồng. Tổng cộng: 79.200.000 đồng
Ngược lại, đối với các chứng cứ bị đơn cung cấp cho rằng ông C đã nhận số hàng hoá và số tiền từ ông Đ, Tòa án không chấp nhận khấu trừ, vì ông C không có tư cách đại diện cho Công ty VL và ông Đ (bị đơn) cũng không cung cấp được bất kỳ thông tin nào về ông C. Tòa án xác định bị đơn có quyền khởi kiện ông C trong một vụ án dân sự khác, nếu thấy cần thiết. Toà án buộc ông Đ phải trả cho Công ty VL số tiền 48.700.000 đồng tiền gốc còn lại (sau khi khấu trừ khoản ông S đã nhận là 79.200.000 đồng trên tổng số nợ 127.900.000 đồng) và 40.128.000 đồng tiền lãi, tổng cộng 88.828.000 đồng.
Bài học pháp lý cho cả bên mua lẫn bên bán
Đối với bên bán:
Thứ nhất, cần phải quản lý chặt chẽ nhân viên đại diện giao dịch. Điều này thể hiện, việc Công ty để nhân viên thị trường thực hiện giao dịch, thu tiền, nhận hàng mà không có cơ chế kiểm soát nội bộ, giấy ủy quyền rõ ràng hoặc hợp đồng lao động lưu trữ hợp lệ là lỗ hổng nghiêm trọng. Do đó, việc Công ty bác bỏ trách nhiệm với các khoản ông Đ giao cho ông S không được Toà án chấp thuận.
Thứ hai, chứng từ tài chính là “bằng chứng sống”. Điều này thể hiện, dù không có hợp đồng, biên bản đối chiếu công nợ có chữ ký của bên mua đã trở thành bằng chứng then chốt giúp Công ty và được Toà án chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện.
Thứ ba, sai lầm khi thiếu minh bạch về nhân sự. Điều này thể hiện, việc không cung cấp được thời điểm ông S nghỉ việc khiến Công ty không thể phủ nhận trách nhiệm phát sinh từ các giao dịch sau ngày đối chiếu nợ.
Đối với bên mua:
Thứ nhất, không thể thoái thác trách nhiệm khi đã xác nhận nợ. Dù có giao dịch thông qua nhân viên, việc ký xác nhận công nợ vẫn ràng buộc trách nhiệm thanh toán theo Luật Thương mại.
Thứ hai, không đủ chứng cứ thì không được khấu trừ. Các khoản đã trả cho ông C không được Tòa công nhận vì không có cơ sở pháp lý chứng minh ông C là người đại diện hợp pháp của Công ty. Vì vậy, trước khi giao dịch và thanh toán, cần kiểm tra kỹ tư cách đại diện và thông tin cụ thể của người thực hiện.
Câu chuyện từ Bản án số 02/2025/KDTM-PT là minh chứng trong kinh doanh, điều quan trọng không chỉ là bán được hàng, mà còn là đảm bảo được thanh toán một cách hợp pháp và chắc chắn. Suy cho cùng, sự rõ ràng, minh bạch và cẩn trọng trong từng giao dịch, dù là nhỏ nhất, chính là hành trang chắc chắn mà doanh nghiệp có thể tự trang bị và bảo vệ cho mình./.