image banner
Giải đáp pháp luật

     Câu hỏi:

     Anh Nguyễn Văn Thắng ở phường Nghĩa Tân, thành phố Gia Nghĩa hỏi: Theo quy định của pháp luật thì những trường nào hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình?Trả lời:

     Vấn đề anh hỏi, chúng tôi xin trả lời như sau, căn cứ theo Điều 2 Quy định 05-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định những trường hợp sinh con không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, cụ thể:

     1. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu cả hai hoặc một trong hai người thuộc dân tộc có số dân dưới 10.000 người hoặc thuộc dân tộc có nguy cơ suy giảm số dân (tỉ lệ nhỏ hơn hoặc bằng tỉ lệ chết) theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

     2. Cặp vợ chồng sinh lần thứ nhất mà sinh ba con trở lên.

     3. Cặp vợ chồng đã có một con đẻ, sinh lần thứ hai mà sinh hai con trở lên.

     4. Cặp vợ chồng sinh lần thứ ba trở lên, nếu tại thời điểm sinh chỉ có một con đẻ còn sống, kể cả con đẻ đã cho làm con nuôi.

     5. Cặp vợ chồng sinh con thứ ba, nếu đã có hai con đẻ nhưng một hoặc cả hai con bị dị tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo không mang tính di truyền, đã được hội đồng giám định y khoa cấp tỉnh hoặc cấp Trung ương xác nhận.

     6. Cặp vợ chồng đã có con riêng (con đẻ):

     a) Sinh một con hoặc hai con, nếu một trong hai người đã có con riêng (con đẻ).

     b) Sinh một con hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh, nếu cả hai người đã có con riêng (con đẻ). Quy định này không áp dụng cho trường hợp hai người đã từng có hai con chung trở lên và các con hiện đang còn sống.

     7. Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh.

     8. Sinh con thứ ba trở lên trước ngày 19/01/1989 (ngày có hiệu lực thi hành Quyết định số 162-HĐBT, ngày 18/10/1988 của Hội đồng Bộ trưởng về một số chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình).

     9. Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hoá gia đình gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người mẹ (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên). Đồng thời, theo quy định hiện nay tại Hướng dẫn số 05-HD/UBKTTW ngày 22/11/2022 của Uỷ ban kiểm tra Trung ương thực hiện một số điều trong Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm “Vi phạm do nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật”.

     Như vậy, nếu sinh con trong những trường hợp trên từ khoản 1 đến khoản 8 thì không bị coi là vi phạm chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình. Trường hợp sinh con thứ ba do mang thai ngoài ý muốn, nếu thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai sản (có xác nhận của bệnh viện cấp huyện và tương đương trở lên) thì được xem xét giảm nhẹ mức kỷ luật.

Tiến Dũng

  • Con dưới 36 tháng tuổi nhất định phải giao mẹ nuôi?

    Trong các vụ án ly hôn, việc xác định người trực tiếp nuôi con dưới 36 tháng tuổi luôn là một vấn đề nhạy cảm, đặt ra những cân nhắc sâu sắc về cả mặt pháp lý lẫn tình cảm. Thông thường trên thực tế, dường như có một quan niệm “mặc định” rằng người mẹ sẽ là lựa chọn ưu tiên để trực tiếp chăm sóc con nhỏ dưới 36 tháng tuổi. Suy nghĩ này phần nào đã ăn sâu vào nhận thức của nhiều người trong thực tiễn xã hội. Tuy nhiên, Án lệ số 54/2022/AL đã mở ra trường hợp ngoại lệ cụ thể, với góc nhìn khách quan hơn: “Không phải trong mọi trường hợp, con dưới 36 tháng tuổi đều bắt buộc phải do người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng”. Mọi quyết định cuối cùng phải tôn trọng và hướng tới lợi ích tốt nhất của đứa trẻ, đặt sự phát triển toàn diện và đặt hạnh phúc của con lên hàng đầu.

  • Tranh chấp hợp đồng đặt cọc - Bài học về sự rõ ràng và cẩn trọng trong giao dịch đất đai

    Thỏa thuận đặt cọc là một bước đệm quan trọng, thể hiện cam kết của các bên trong các giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu thiếu đi sự rõ ràng và cẩn trọng, chính sự cam kết ban đầu này có thể trở thành khởi nguồn của những tranh chấp kéo dài, gây thiệt hại về thời gian và tiền bạc cho các bên liên quan. Bản án số 69/2025/DS-PT ngày 15/04/2025 của Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Đắk Nông về vụ việc “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” là một ví dụ điển hình, mang đến những bài học quý giá cho người dân khi tham gia các giao dịch liên quan đến đất đai.

  • Công tác xây dựng pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế

    Công tác xây dựng pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế là quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 30 tháng 4 năm 2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Quan điểm trên được đặt ra trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mang tính thời đại, để đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển bứt phá, giàu mạnh, hùng cường dưới sự lãnh đạo của Đảng; cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, phấn đấu tăng trưởng kinh tế "hai con số", công tác xây dựng và thi hành pháp luật phải được đổi mới căn bản, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.

  • ÁN LỆ SỐ 66/2023/AL: HÀNH VI “MUA BÁN NGƯỜI” ẨN SAU CHIÊU BÀI LẤY CHỒNG NGOẠI

    Nội dung vụ án: Một hành trình tưởng đổi đời, hóa ra đổi phận Vụ án bắt đầu từ một lời mời gọi tưởng chừng như vô hại: “Hiện có rể người Trung Quốc muốn lấy vợ Việt Nam, có cô dâu nào thật lòng muốn lấy chồng, tìm kiếm hạnh phúc thì liên hệ". Đây là nội dung mà Trịnh Thị H – bị cáo trong vụ án – đã đăng tải trên mạng xã hội, sau khi nhận lời từ một phụ nữ tên T đang sống ở Trung Quốc, rằng nếu đưa được phụ nữ Việt sang làm vợ người Trung Quốc, H sẽ được trả 4 vạn nhân dân tệ (tương đương khoảng 120 triệu đồng).

  • Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân trong trường hợp sáp nhập tỉnh

    Theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngày 28/2/2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và Công văn số 43-CV/BCĐ ngày 20/3/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Kế hoạch tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong thời gian tới, sẽ tiến hành thực hiện sáp nhập một số đơn vị cấp tỉnh và đề ra lộ trình “Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh (tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và hoàn thành trước ngày 30/6/2025”.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH ĐẮK NÔNG

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vận hành: Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông

Địa chỉ: Số 11, Đường Lê Duẩn, Phường Nghĩa Tân, Thành phố Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông

- Điện thoại: 02613.543140 - Fax: 02613.543140 - Email: pbgdpl.stp@daknong.gov.vn

Trưởng Ban biên tập: Ông TrầnThanh Tài - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 ipv6 ready