image banner
Câu chuyện pháp luật: “Dạy” vợ là việc của chồng?

     Chú Minh lại đánh cô Lan rồi bố ơi! Thằng con vừa chạy về mách bố! Đối với khu xóm này nói chung và nhà Long nói riêng thì việc vợ chồng nhà Minh Lan đánh nhau xảy ra như cơm bữa, nên Long không để ý đến lời nói của con.

     Nhưng hôm nay, hình như sự việc xảy ra nghiêm trọng hơn, Long nghe thấy tiếng cô Lan kêu cứu và tiếng đập phá đồ đạc hình như to hơn mọi khi. Long tính chạy sang để can ngăn Minh khỏi đánh cô Lan thì vợ Long ngăn lại: Ôi! Việc của vợ chồng họ để cho cô chú ấy tự giải quyết, anh sang đấy khéo lại bị vạ lây như lần trước (trước đây Long cũng đã sang can ngăn nhưng bị Minh chửi mắng lây và suýt bị đánh nữa)! Nhưng lần này tình hình có vẻ căng, không khéo cô Lan bị làm sao thì sao? Vợ Long giận dỗi: Thôi tùy anh, sang đấy có gì thì đừng vạ lây cho mẹ con em!

     Nghe vợ nói, Long sang rủ thêm mấy anh em hàng xóm cùng bác KHoa là cán bộ tư pháp đã về hưu sang nhà Minh để xem tình hình, cũng may do mấy anh em tới kịp thời can ngăn nên cô Lan chỉ bị xây xát nhẹ, chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

     Sau khi sự việc cũng đã ổn ổn, bác Khoa nói:

     Chú Minh chú có biết việc chú đánh cô Lan như vậy có thể bị phạt tiền đến 20 triệu đồng không? Và lỡ như xui xẻo cô ấy bị thương tích nặng hay ảnh hưởng đến tính mạng sức khỏe thì chú có thể bị đi tù. Chú nghĩ xem nhà cô chú như vậy, lấy đâu ra tiền mà đi nộp phạt với nữa, nếu chú đi tù thì ai kiếm tiền nuôi mấy đứa nhỏ!

    Minh ngỡ ngàng: Vợ của cháu, cháu dạy bảo như thế nào là việc của cháu, sao mà phạt tiền phạt tù cháu được!

   Cái này là quy định pháp luật hẵn hoi, không phải bác nói tầm bậy, đây cháu đọc đi! Nói rồi bác Khoa đưa  Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình cho chú Minh đọc. Đây! Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình:

    “1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

    Nghe xong chú Minh mới biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tiền! Chú tự hứa với mình và với vợ với bà con hàng xóm từ nay sẽ không đánh đập vợ nữa!

    Quy định pháp luật cần biết:

    Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình:

    Điều 52. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình

    1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.

    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

    b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối.

    Điều 53. Hành vi hành hạ, ngược đãi thành viên gia đình

    1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

    b) Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ.

    Điều 54. Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình

    1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.

    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

    b) Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;

    c) Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.

    Điều 55. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý

    1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;

    b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

    c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.

    3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;

    b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.

    Điều 62. Hành vi cố ý không ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình và cản trở việc ngăn chặn, báo tin hành vi bạo lực gia đình

    Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

    1. Biết hành vi bạo lực gia đình, có điều kiện ngăn chặn mà không ngăn chặn.

    2. Biết hành vi bạo lực gia đình mà không báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.

    3. Cản trở người khác phát hiện, khai báo hành vi bạo lực gia đình.

    Bộ Luật Hình sự:

    Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

    1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

    b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

    c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

    d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

    đ) Có tổ chức;

    e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

    h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

    i) Có tính chất côn đồ;

    k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

    a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

    b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;…”.

 

Phòng Văn bản & Phổ biển, giáo dục pháp luật

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH ĐẮK NÔNG

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vận hành: Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông

Địa chỉ: Số 11, Đường Lê Duẩn, Phường Nghĩa Tân, Thành phố Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông

- Điện thoại: 02613.543140 - Fax: 02613.543140 - Email: pbgdpl.stp@daknong.gov.vn

Trưởng Ban biên tập: Ông TrầnThanh Tài - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 ipv6 ready