image banner
Hỏi - đáp pháp luật (Phân chia di sản thừa kế khi có người hưởng di sản mất)

   Ông Nguyễn Thái M, ở phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông hỏi: Cha tôi mất không để lại di chúc, trong gia đình có một người em ruột bỏ nhà đi biền biệt mấy năm không về, gia đình cũng không nhận được tin tức gì. Nay gia đình tôi liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để thực hiện thủ tục tuyên bố người mất tích và làm thủ tục phân chia di sản thừa kế. Vậy cho tôi hỏi, người em này có được hưởng tài sản mà cha tôi để lại hay không?

   Giải đáp: Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

   Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

   Theo đó, thì thẩm quyền giải quyết yêu cầu tuyên bố một người mất tích thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, nơi người bị yêu cầu tuyên bố mất tích cư trú (Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015).

   Theo quy định tại Điều 387 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất tích theo quy định của Bộ luật Dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố mất tích đã biệt tích 02 năm liền trở lên mà không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hoặc đã chết và chứng minh cho việc người yêu cầu đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo tìm kiếm; trường hợp trước đó đã có quyết định của Tòa án thông báo tìm kiếm người vắng mặt tại nơi cư trú thì phải có bản sao quyết định đó.

   Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích, Tòa án ra quyết định thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích. Nội dung thông báo và việc công bố thông báo được thực hiện theo quy định pháp luật.

   Thời hạn thông báo tìm kiếm người bị yêu cầu tuyên bố mất tích là 4 tháng, kể từ ngày đăng, phát thông báo lần đầu tiên. Trong thời hạn thông báo, nếu người bị yêu cầu tuyên bố mất tích trở về và yêu cầu Tòa án đình chỉ việc xét đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích.

   Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo, Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu.

   Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người mất tích; trường hợp có yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích đó và được chấp nhận thì trong quyết định tuyên bố một người mất tích, Tòa án còn phải quyết định áp dụng biện pháp quản lý tài sản của người đó theo quy định của Bộ luật dân sự.

   Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho UBND cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

   Tài sản của người mất tích sẽ do người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật Dân sự 2015 tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định pháp luật. Trường hợp không có người quản lý tài sản thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.

   Liên quan đến thừa kế: Căn cứ theo Điều 613 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

   Theo Điều 651 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản theo thứ tự:

   Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

   Hàng thừa kế thứ 2: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

   Hàng thừa kế thứ 3: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; Bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người chết; Cháu ruột của người chết mà người chết là bác, chú, cậu, cô, dì ruột; Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

   Như vậy: Trong trường hợp này người em bị Tòa án tuyên bố mất tích được xác định thuộc hàng thừa kế thứ nhất đối với phần di sản mà người cha để lại sau khi chết, khi phân chia di sản thừa kế thì người mất tích vẫn được hưởng di sản. Phần di sản thừa kế mà người mất tích được hưởng sẽ được giao cho người thân thích hoặc người quản lý tài sản do Toà án chỉ định. Trường hợp người mất tích trở về, phần di sản thừa kế được hưởng đó sẽ được giao lại cho họ.

Như Ngọc

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH ĐẮK NÔNG

Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý vận hành: Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông

Địa chỉ: Số 11, Đường Lê Duẩn, Phường Nghĩa Tân, Thành phố Gia Nghĩa, Tỉnh Đắk Nông

- Điện thoại: 02613.543140 - Fax: 02613.543140 - Email: pbgdpl.stp@daknong.gov.vn

Trưởng Ban biên tập: Ông TrầnThanh Tài - Phó Giám đốc Sở Tư pháp

 ipv6 ready