Root

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong công tác bầu cử

20/05/2021

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

        Khoản 5 Điều 4 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp”. Tuy nhiên, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều nội dung khác nhau trong quy trình công tác bầu cử.

       Thứ nhất, dự kiến số lượng đại biểu Quốc hội được bầu phải được Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thống nhất. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội của Ủy ban thường vụ Quốc hội phải được gửi đến Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Đối với số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính theo quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương cũng phải được thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp (tỉnh, huyện, xã). Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của Thường trực Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp được gửi đến Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

      Thứ hai, đại diện Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Ủy viên của Hội đồng bầu cử Quốc gia; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã là Ủy viên Ủy ban bầu cử cùng cấp; là Ủy viên Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội. Việc thành lập Ủy ban bầu cử, Ban Bầu cử và Tổ bầu cử cũng phải xin ý kiến thống nhất của Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

      Thứ ba, chủ trì tổ chức Hội nghị hiệp thương  lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất được tổ chức chậm nhất là 95 ngày trước ngày bầu cử nhằm thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng các đại biểu. Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai được tổ chức chậm nhất là 65 ngày trước ngày bầu cử để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Hội nghị Hiệp thương lần thứ ba được tổ chức chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Các Hội nghị hiệp thương này đều do Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì thực hiện. Đây là quy trình đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm  đảm bảo chọn được người đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, thực sự là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

      Thứ tư, triệu tập và chủ trì Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn lấy ý kiến về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tại hội nghị cử tri, cử tri đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, nhận xét, bày tỏ sự tín nhiệm đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội bằng cách giơ tay hoặc bỏ phiếu kín theo quyết định của hội nghị.

     Thứ năm, về danh sách người ứng cử, chậm nhất là 30 ngày trước ngày bầu cử, Ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Hội đồng bầu cử quốc gia biên bản hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Đoàn Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh gửi đến Ủy ban bầu cử ở tỉnh biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội tại địa phương; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp; Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã phải gửi biên bản hội nghị hiệp thương lần thứ ba và danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban bầu cử cùng cấp.

     Thứ sáu, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Tại Hội nghị này, những người ứng cử sẽ báo cáo với cử tri về chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; các cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm.

        Từ những nội dung nêu trên có thể thấy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò xuyên suốt trong quá trình bầu cử; thực sự là  cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nguyễn Thị Nhàn