Root

Tổng kết Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019-2021” trên địa bàn tỉnh

25/08/2021

Thực hiện Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019 - 2021”. Ngày 22/8/2019, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành Kế hoạch số 477/KH-UBND về việc triển khai thực hiện đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoại 2019 - 2021” triển khai đến các Sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố trong toàn tỉnh

Trên cơ sở Kế hoạch số 477/KH-UBND, các cơ quan, đơn vị và địa phương đã xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện theo trách nhiệm và phạm vi quản lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL gắn với triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật; tăng cường ứng dụng mạng xã hội trong công tác PBGDPL.

 Nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, có chất lượng, hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2019- 20121” ban hành kèm theo Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) giai đoạn 2017 - 2021 ban hành theo Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Trong năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã xây dựng và đưa vào vận hành Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đắk Nông, với địa chỉ: http://pbgdpl.daknong.gov.vn/ do Sở Tư pháp vận hành, quản lý; đảm bảo về mặt nội dung, cơ sở hạ tầng thông tin kỹ thuật để có thể hoạt động liên tục; cập nhật, kết nối, chia sẻ thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật trên môi trường mạng.

Tiến hành nâng cấp Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của tỉnh cùng với 26 Trang thông tin điện tử độc lập của các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; đồng thời thiết lập Chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật của các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc Trang thông tin của đơn vị nhằm đảm bảo cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu, ấn phẩm phổ biến, giáo dục pháp luật và kết nối, chia sẻ đầy đủ thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật với Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh.

Nội dung đăng tải trên các Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương chủ yếu là: Tin tức, sự kiện theo ngành, lĩnh vực; Chính sách pháp luật mới; Tài liệu tuyên truyền PBGDPL như tờ rơi, tờ gấp, Sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ; Hệ thống văn bản chuyên ngành; Thông tin chỉ đạo điều hành; Nghiên cứu trao đổi; Chuyên mục Hỏi – đáp, tư vấn pháp luật…

Bên cạnh đó, việc triển khai phổ biến, giáo dục pháp luật còn được thực hiện thông qua ứng dụng mạng xã hội, công nghệ viễn thông, thông tin như facebook, youtube, twitter và các mạng xã hội khác; một số Sở, ban, ngành đã ứng dụng mạng xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như mạng xã hội facebook (Ban Tuyên giáo tỉnh ủy thành lập, quản lý hoạt động của Trang facebook: Đắk Nông) với hơn 90 nghìn lượt người đăng ký theo dõi; Sở Tư pháp cũng đã thành lập mới trang mạng xã hội facebook: Phổ Biến Pháp Luật Tỉnh Đắk Nông. Thông qua các Trang mạng xã hội chính thống này, người dân có thể dễ dàng tra cứu, tìm hiểu các quy định của pháp luật, bên cạnh đó người làm công tác tuyên truyền dễ dàng tiếp nhận những ý kiến phản biện, kiến nghị,.. từ đó tiếp thu, nghiên cứu và phản hồi cho người dân hiểu đúng, chính xác, góp phần định hướng dư luận xã hội đối với các thông tin pháp luật không chính xác, không chính thống, xuyên tạc quy định pháp luật.

Duy trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện Chuyên mục Pháp luật với Đời sống (mỗi tháng 02 số) gồm Phóng sự, phỏng vấn, tọa đàm, trao đổi, Tiểu phẩm tuyên truyền, phổ biến pháp luật …; Sử dụng có hiệu quả hệ thống phát thanh, truyền hình của địa phương, loa truyền thanh cơ sở để thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức tìm hiểu, chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân ở cơ sở.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL, là một công cụ hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác PBGDPL; giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuận lợi, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, thúc đẩy cải cách hành chính, giúp người dân dễ dàng, thuận lợi trong tiếp cận với thông tin về pháp luật. Việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trên mạng xã hội, các diễn đàn trực tuyến, mạng viễn thông, sóng phát thanh, truyền hình… là một hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin trong điều kiện hiện nay. Do đó, để tận dụng những mặt ưu điểm, tích cực của các hình thức mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL cần có sự quan tâm, đầu tư về nhân lực, kinh phí của các cơ quan, tổ chức và nhất là sự nỗ lực, sáng tạo của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Thanh Thảo