Root

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN CHO VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

02/07/2021

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nên công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) cho vị thành niên, thanh niên nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ

Với sự chỉ đạo và đầu tư kinh phí của UBND tỉnh, các cấp; các ngành, các đoàn thể trên địa bàn đã có sự phối hợp trong công tác truyền thông, giáo dục, tư vấn về chăm sóc SKSS cho Nhân dân nói chung, cho vị thành niên và thanh niên nói riêng.

Theo số liệu báo cáo đến tháng 12/2020, tổng số vị thành niên, thanh niên từ độ tuổi 10 - 24 tuổi: 165.785 người, trong đó nam: 83.767 người, nữ: 82.018 người. Tổng số vị thành niên ở độ tuổi từ 10 - 19: 101.984 người, trong đó nam: 52.597 người, nữ: 49.387 người. Trong những năm qua, hoạt động chương trình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên đã thành lập được 16 góc thân thiện chăm sóc SKSS cho vị thành niên trong khuôn viên các trường học trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, vận động cho 35.680 vị thành niên, thanh niên tại các trường THPT, THCS và cộng đồng hiểu biết và biết cách sử dụng các biện pháp tránh thai, cung cấp nhiều tài liệu tuyên truyền về làm mẹ an toàn, sinh an toàn, hướng dẫn uống thuốc tránh thai, thuốc cấy thai và phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Tại tuyến tỉnh và tuyến huyện phối hợp với huyện đoàn, thành đoàn tổ chức được 10 hội thảo, hội nghị phổ biến các kiến thức liên quan đến công tác chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên. Tổ chức 133 lớp tập huấn cho cán bộ y tế, cán bộ đoàn, chuyên trách SKSS, cán bộ làm công tác báo cáo về kỹ năng tư vấn, sinh hoạt, tiếp xúc đối với độ tuổi vị thành niên, thanh niên,… từ đó kết quả đó đã tạo được chuyển biến về nhận thức trong xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ, ý thức được bản thân mỗi người phải biết “tự bảo vệ”, qua đó đã điều chỉnh hành vi trong chăm sóc SKSS, SKTD của cá nhân, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân nói chung và cho vị thành niên, thanh niên nói riêng.

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng mang thai, đẻ sớm ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống vẫn còn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, tinh thần và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo đói, suy dinh dưỡng cao, tạo gánh nặng cho xã hội. Số lượng vị thành niên, thanh niên trực tiếp đến các cơ sở y tế tư vấn về chăm sóc SKSS, SKTD còn ít, đặc biệt là thanh niên vùng sâu, vùng xa. Thông tin cung cấp về SKSS, SKTD trong thanh niên chưa sâu, còn hạn chế, vì vậy, hiệu quả tác động để thay đổi hành vi về SKSS, SKTD chưa cao. Một bộ phận không nhỏ cán bộ y tế tại các cơ sở cung cấp dịch vụ SKSS cho vị thành niên, thanh niên thiếu kỹ năng chuyên môn, thiếu hiểu biết về tâm lý lứa tuổi, thiếu cảm thông, không tạo được độ tin cậy cho vị thành niên, thanh niên, do vậy chưa cung cấp được các dịch vụ hữu ích và thân thiện, còn tạo ra rào cản đối với vị thành niên, thanh niên. Có thai ngoài ý muốn, sinh đẻ sớm và phá thai trong độ tuổi vị thành niên đang có chiều hướng gia tăng và là vấn đề đáng lo ngại.

Một số nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên và thanh niên tại tỉnh Đắk Nông, đó là: Nội dung các chính sách về SKSS, SKTD cho vị thành niên và thanh niên đã được đề cập đến. Tuy nhiên chưa có quy định giáo dục SKSS, SKTD cho vị thanh niên, thanh niên là yêu cầu bắt buộc cần phải triển khai đồng bộ trong nhà trường hoặc các khu công nghiệp để công tác SKSS, SKTD đến gần đối tượng  hơn; Chưa có hướng dẫn cung cấp dịch vụ cho nhóm vị thành niên, thanh niên đặc thù như nhóm dân tộc thiểu số, khuyết tật…. Hiện nay, nguồn ngân sách dành riêng cho chương trình chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên ít, ngày càng cắt giảm không đủ để tổ chức cho các hoạt động chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên; Vấn đề văn hóa – xã hội đang là thách thức lớn trong cung cấp và sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên. Định kiến của cha, mẹ, giáo viên, nhân viên y tế và cộng đồng ảnh hưởng rất nhiều đến tư tưởng và quan niệm, gây cản trở không nhỏ đến việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên.

Nhằm cải thiện tình trạng SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên; góp phần đưa vị thành niên, thanh niên trở thành một lực lượng lao động khỏe mạnh, phát huy hết tiềm năng để đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, các ngành, các cấp của tỉnh cần tăng cường truyền thông vận động chính sách và truyền thông thay đổi hành vi; tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý, hoàn thiện cơ chế chính sách có liên quan đến chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên; đảm bảo tài chính nhằm tăng khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên./.

                                                                                         Tín Hòa