Root

Quy định mới về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước

21/05/2021

Ngày 01/4/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 47/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2020. Theo đó, Nghị định đã quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước.

      - Đối với doanh nghiệp xã hội: Nghị định đã tập trung điều chỉnh các nội dung về trách nhiệm của doanh nghiệp xã hội và chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên, cổ đông của doanh nghiệp xã hội; tiếp nhận viện trợ, tài trợ; chuyển đổi cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể doanh nghiệp xã hội.

     - Đối với doanh nghiệp nhà nước và nhóm công ty: Nghị định đã tập trung điều chỉnh các nội dung về doanh nghiệp nhà nước và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp; quy định về Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định về nghĩa vụ của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; quy định về quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết. Đặc biệt, Nghị định đã quy định việc sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty như sau:

      + Việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 195 Luật doanh nghiệp bao gồm trường hợp sau: cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới; cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập; cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.

        + Doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước theo khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

     - Đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh: Nghị định đã quy định quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; về cơ cấu tổ chức và chức danh quản lý của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; về chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng an ninh và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; về công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; về hồ sơ đề nghị công nhận, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và kiểm tra, giám sát doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, quy định điều kiện để một doanh nghiệp được xác định là doanh nghiệp quốc phòng, an ninh trong các trường hợp:

    + Phải đảm bảo đồng thời các điều kiện sau:

  • Là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp;
  • Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động quy định tại Phụ lục 1 về Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh kèm theo Nghị định số 47/2021/NĐ-CP;
  • Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.

      + Các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh từng thời kỳ.

     Ngoài ra, Nghị định còn quy định nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và cơ sở dữ liệu quốc gia về doanh nghiệp nhà nước.

    Nghị định số 47/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày ký ban hành; thay thế và bãi bỏ Quyết định 35/2013/QĐ-TTgNghị định 81/2015/NĐ-CP, Nghị định 93/2015/NĐ-CP và Nghị định 96/2015/NĐ-CP.

 

Hoàng Phương