Root

Phát huy vai trò của các doanh nghiệp quân đội trong tham gia phát triển kinh tế đất nước giai đoạn hiện nay

14/04/2021

Để đảm bảo cho một nền quốc phòng vững mạnh, Quân đội ngoài việc sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi để bảo vệ Tổ quốc, còn phải tích cực sản xuất quốc phòng và xây dựng kinh tế; ; đó vừa là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, vừa là vấn đề thuộc về bản chất của quân đội cách mạng.

       Trong đó, các doanh nghiệp quân đội đóng vai trò quan trọng vừa gìn giữ và tăng năng lực quốc phòng; vừa tham gia phát triển kinh tế đất nước, nhất là ở những địa bàn khó khăn, gian khổ, địa hình hiểm trở, phức tạp; tiên phong trên các lĩnh vực công nghệ cao, thực sự là mũi nhọn để phát triển kinh tế đất nước…

 

          Các doanh nghiệp quân đội đã từng bước đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, phát huy vai trò quan trọng trong huy động nguồn lực cho quốc phòng; sản xuất được một số sản phẩm mà trước đây vẫn phải nhập của nước ngoài. Đặc biệt, một số vũ khí, khí tài thế hệ mới, hiện đại nhiều năm qua chúng ta phải dựa hoàn toàn vào các nước khác, nhưng hiện nay các nhà máy quốc phòng, doanh nghiệp quân đội đã có thể tự sản xuất, sửa chữa; nhờ đó tiết kiệm một lượng lớn ngoại tệ cho đất nước.

         Với nhiệm vụ chính trị chủ yếu của các doanh nghiệp quân đội là phục vụ quốc phòng, mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận đơn thuần mà tham gia sản xuất là để phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh. Do vậy, trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế; góp phần phát huy vai trò của lực lượng này trong tham gia phát triển kinh tế đất nước thời kỳ mới, các doanh nghiệp quân đội cần có các giải pháp đồng bộ, cụ thể như sau:

       Một là: Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia xây dựng, phát triển kinh tế của quân đội cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.

        Đây là vấn đề rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động trong các doanh nghiệp quân đội. Cũng như các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế của quân đội.

        Cần tập trung tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của quân đội nói chung, các doanh nghiệp quân đội nói riêng trong thực hiện chức năng tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế; chủ trương, đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, Nhà nước và quân đội; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng lao động sản xuất, phát triển kinh tế của quân đội và doanh nghiệp quân đội; ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với những kết quả mà các doanh nghiệp quân đội đã đạt được; các tấm gương điển hình tiên tiến; các sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật của doanh nghiệp quân đội trong xây dựng, phát triển kinh tế…

Thông qua đó, làm cho các doanh nghiệp quân đội nhận thấy chức năng, nhiệm vụ của mình không hoạt động kinh tế thuần túy; mà phải góp phần tăng cường nguồn lực cho quốc phòng, đóng góp cho ngân sách Nhà nước và phục vụ cho các hoạt động an sinh xã hội, chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý kinh tế, tài chính; bảo đảm các báo cáo sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được khách quan, trung thực, công khai, minh bạch. Đưa các doanh nghiệp quân đội trở thành những hình mẫu về sản xuất kinh doanh, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội; xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội cụ Hồ” trong thời đại mới.

        Hai là: Đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội theo từng giai đoạn.

      Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 425-NQ/QUTW ngày 18/5/2017 của Quân ủy Trung ương về “Sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Thực hiện việc tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội theo “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 80/TTg-ĐMDN, ngày 04/10/2017.

          Đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể, phá sản các doanh nghiệp yếu kém, các doanh nghiệp ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng theo đúng lộ trình cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp quân đội. Củng cố, phát triển, quy tụ các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trở thành các tập đoàn kinh tế mạnh; góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp quân đội, phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật; trong đó, việc xác định ngành nghề sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp cần theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, bền vững, lâu dài, phát huy các ngành nghề cốt lõi.

       Ba là: Mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại, gắn với nâng cao khả năng độc lập tự chủ của các doanh nghiệp quân đội; tích cực, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.

      Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại để duy trì và phát triển năng lực sản xuất, dịch vụ của các doanh nghiệp quốc phòng; hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, dịch vụ tới các tổ chức, nhà đầu tư; tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và phát triển, đẩy nhanh quá trình hội nhập. Tích cực xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ lưỡng dụng. Thúc đẩy các dự án đầu tư sang Lào, Campuchia, Châu Phi, các địa bàn có mối quan hệ chiến lược với Việt Nam…

       Thúc đẩy việc tham gia thực hiện các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của các nước cho các lĩnh vực liên quan nhiều đến hoạt động dân sinh kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các trung tâm kinh tế, các đặc khu kinh tế mới và các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn (y tế, đào tạo nghề, trồng rừng, xóa đói giảm nghèo), nâng cao vị thế của doanh nghiệp quốc phòng Việt Nam, tạo ra nguồn thu cho đất nước.

       Các doanh nghiệp quốc phòng - kinh tế tích cực đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, đủ sức hội nhập cạnh tranh trên thị trường. Mở rộng khả năng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp quân đội với các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào Việt Nam), các tổ chức kinh tế trong và ngoài nước để phát huy được các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập.

        Bốn là: Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính đối với hoạt động của các doanh nghiệp quân đội.

       Doanh nghiệp quân đội chủ yếu hoạt động theo quy định đối với doanh nghiệp quốc phòng - an ninh. Do vậy, cần tiếp tục có một hệ thống cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, tài chính phù hợp với các doanh nghiệp quân đội trong điều kiện mới, cơ chế mới. Đối với các doanh nghiệp không cần nắm giữ cổ phần thì kiên quyết thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa. Đối với doanh nghiệp quốc phòng - an ninh cần thiết thì Nhà nước và Quân đội cần có cơ chế đầu tư vốn một cách phù hợp. Tiếp tục rà soát, bổ sung đủ vốn điều lệ theo phê duyệt cho các doanh nghiệp quân đội 100% vốn nhà nước. Chủ động cơ cấu lại nguồn vốn của các doanh nghiệp dưới các hình thức: phát hành trái phiếu; làm việc với các ngân hàng để cơ cấu lại các khoản vay, tạo tính thanh khoản tốt hơn trong thanh toán, giảm hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu.

         Năm là: Nâng cao vai trò quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng; vai trò người đại diện chủ sở hữu, kiểm soát viên tại doanh nghiệp trong quản lý, phát triển doanh nghiệp quốc phòng

       Cơ quan chức năng cấp chiến lược, chiến dịch theo chức năng tập trung nghiên cứu, tham mưu đề xuất, có nội dung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế-quốc phòng, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực phụ trách, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp quốc phòng phát triển xứng đáng với tiềm năng và vai trò của mình.

       Theo thẩm quyền làm tốt vai trò kiểm tra, giám sát, quản lý đối với doanh nghiệp quân đội. Phát huy tốt vai trò của người đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước, kiểm soát viên tại các doanh nghiệp; bảo đảm làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, quản lý, chỉ đạo tại doanh nghiệp quân đội. Nắm chắc tình hình, chủ động tích cực, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm; không để xảy ra việc vi phạm các quy định về quản lý vốn, đầu tư tài sản, hiệu quả sử dụng vốn kinh doanh. Không để doanh nghiệp rơi vào mất an toàn về tài chính, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của quân đội. Xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý tài sản, quản lý đất quốc phòng ở các doanh nghiệp quân đội

       Cơ quan chức năng các cấp tham mưu với Đảng ủy, chỉ huy tạo sự đồng thuận; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hiệu quả của các ngành, các tổ chức, các lực lượng tạo điều kiện cho cho các doanh nghiệp quân đội hoạt động có hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế-quốc phòng tích cực tham gia giải quyết việc làm, cơ cấu lại, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, phối hợp tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân trên các địa bàn./.

                                                                     Tín Hòa (giới thiệu)