Root

Hướng dẫn lập dự toán kinh phí phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

25/08/2021

Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/06/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy định hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa cơ quan nhà nước với tổ chức đại diện của doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan

Việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ưu tiên thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lýNhà nước khuyến khích; có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Để bảo đảm kinh phí cho công tác hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, ngày 29/7/2021 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 64/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Kinh phí bảo đảm cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV do NSNN đảm bảo theo phân cấp NSNN, được bố trí trong dự toán chi thường xuyên NSNN trên cơ sở kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ DNNVV hàng năm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về NSNN. Ngoài ra, còn có nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ, đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của pháp luật.

Về nội dung chi, ngoài nội dung chi đã có chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu thực hiện theo chế độ hiện hành, dự thảo còn quy định một số nội dung chi đặc thù cho hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV. Cụ thể các nội dung chi gồm: chi xây dựng, duy trì, cập nhật các dữ liệu, cơ sở dữ liệu để hỗ trợ pháp lý cho DNNVV; chi xây dựng, biên soạn tài liệu cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến lĩnh vực hoạt động của DNNVV.

Bên cạnh đó, đối với chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị lập dự toán kinh phí từ ngân sách Nhà nước thực hiện hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và tổng hợp chung trong kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hàng năm theo quy định; gửi cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp tổng hợp, gửi đơn vị dự toán cấp I để gửi cơ quan tài chính cùng cấp tổng hợp trình các cấp có thẩm quyền.

Đối với kinh phí để thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh năm 2021 do các Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương cấp tỉnh bố trí, sắp xếp trong phạm vi dự toán đã được cơ quan có thẩm quyền giao để thực hiện.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định việc ban hành mức chi cụ thể cho phù hợp để thực hiện ở địa phương.

Trường hợp các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương không ban hành mức chi cụ thể, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ mức chi quy định tại Thông tư này để thực hiện nhưng tối đa không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này, đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí, trong phạm vi dự toán nguồn kinh phí được cấp có thẩm quyền giao.(Khoản 5, khoản 6 Điều 9 Thông tư).

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01/10/2021 và thay thế Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12/10/2010./.

Thanh Thảo (gt)