Root

Hiểu đúng về trái phiếu doanh nghiệp

16/12/2022

Thời gian qua, hàng loạt các sai phạm trong phát hành, tư vấn và phân phối trái phiếu doanh nghiệp được cơ quan chức năng xử lý. Người dân mua trái phiếu doanh nghiệp là những người phải gánh chịu thiệt hại tài sản nặng nề. Điển hình như vụ việc trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến Ngân hàng SCB đang gây hoang mang dư luận.

Theo phản ánh của người dân, nhân viên Ngân hàng SCB đã tư vấn, chào mời mua trái phiếu một cách sai lệch và thiếu trung thực. Nhiều trường hợp do hiểu nhầm mua trái phiếu cũng như một hình thức gửi tiết kiệm tại ngân hàng, sau vỡ lẽ thì “tiền mất tật mang”. Vậy, người dân cần hiểu như thế nào về trái phiếu doanh nghiệp để không rơi vào những tình huống trên?

Khoản 3 Điều 4 Luật Chứng khoán 2019 quy định: “Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành”.

Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết về định nghĩa trái phiếu doanh nghiệp như sau: “Trái phiếu doanh nghiệp là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của doanh nghiệp phát hành”.

Như vậy, về cơ bản, trái phiếu doanh nghiệp là chứng chỉ ghi nhận nợ của doanh nghiệp phải trả cho người sở hữu trái phiếu một khoản tiền trong một thời gian xác định. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Người sở hữu trái phiếu không phải thành viên hay cổ đông mà trở thành chủ nợ của công ty. Ngoài khoản tiền gốc mua trái phiếu được hoàn lại sau khi kết thúc kỳ hạn trái phiếu, công ty phải trả lợi tức (tương ứng với lãi suất theo thoả thuận mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của công ty) cho người sở hữu trái phiếu.

Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 không giới hạn đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến khi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP có hiệu lực và thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, Chính phủ đã có quy định nhằm siết chặt về đối tượng mua trái phiếu doanh nghiệp phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP) quy định các nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp có quyền:

- Được doanh nghiệp phát hành công bố thông tin đầy đủ theo quy định; được quyền tiếp cận hồ sơ chào bán trái phiếu khi có yêu cầu.

- Được doanh nghiệp phát hành thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn, thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu và các thỏa thuận với doanh nghiệp phát hành.

- Được yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu trước hạn.

- Được yêu cầu người bán trái phiếu cung cấp đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành khi mua trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Bên cạnh đó, khi mua trái phiếu, nhà đầu tư có trách nhiệm:

- Tiếp cận đầy đủ nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành; hiểu rõ điều kiện, điều khoản trái phiếu và các cam kết khác của doanh nghiệp phát hành trước khi quyết định mua và giao dịch trái phiếu.

- Hiểu rõ về các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư, giao dịch trái phiếu; hiểu rõ và đảm bảo tuân thủ quy định về đối tượng nhà đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo quy định.

- Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.

- Trước khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải ký văn bản xác nhận đã thực hiện đầy đủ các trách nhiệm nêu trên và tự chịu trách nhiệm đối với quyết định mua trái phiếu của mình sau khi ký văn bản xác nhận này.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, người dân cần hiểu rõ trái phiếu doanh nghiệp không phải là hình thức tiền gửi tại ngân hàng.  Doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Do đó, về góc độ rủi ro, trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro cao hơn so với tiền gửi ngân hàng. Người mua trái phiếu có thể đối diện rủi ro “mất trắng” nếu doanh nghiệp phát hành rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán.

Tóm lại, trước khi lựa chọn hình thức đầu tư, người dân cần tự trang bị cho mình kiến thức cũng như nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật liên quan, cân nhắc các rủi ro có thể phát sinh để tránh thiệt hại cho bản thân./.

                                                                                      Thủy An