Root

Đắk Nông tổng kết 08 năm thi hành Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính

28/05/2021

Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế do pháp luật quy định đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC là một trong những văn bản quan trọng để thực hiện chức năng trên. Sau 08 năm triển khai thi hành và áp dụng Nghị định số 81/2013/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được một số kết quả đạt như sau:

1. Kết quả thực hiện các quy định về XPVPHC và áp dụng các biện pháp XLVPHC

- Kết quả thực hiện các quy định về XPVPHC: Từ ngày 19/7/2013 đến ngày 31/12/2020, các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã đã phát hiện 19.954 vụ, xử phạt 19.478 vụ. Trong đó, 420 vụ chuyển truy cứu trách nhiệm hình sự, số tiền phạt thu được 64.800.077.553 đồng; tổng số tiền thu được từ bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu là 23.386.269.023 đồng.

- Về áp dụng biện pháp XLHC: Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp XLHC trong thời gian qua là 1.016 đối tượng, chủ yếu là nam. Biện pháp xử lý hành chính được áp dụng chủ yếu là giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Kết quả thực hiện các quy định quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

- Hàng năm, để triển khai thi hành pháp luật về XLVPHC được hiệu quả, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì thực hiện việc xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý XLVPHC, báo cáo thi hành pháp luật về XLVPHC…

- Về tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, phổ biến pháp luật về XLVPHC: Từ năm 2014 đến nay, Sở Tư pháp đã tổ chức được 25 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu. Ngoài ra, tổ chức 01 buổi tọa đàm về việc áp dụng các biện pháp XLHC; tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về XLVPHC do Bộ Tư pháp tổ chức. Bên cạnh đó, Hội đồng PBGDPL tỉnh, các Sở, Ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều Hội nghị phổ biến kiến thức pháp luật về XLVPHC.

- Hướng dẫn nghiệp vụ về XLVPHC: Sở Tư pháp với chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về XLVPHC, trong 02 năm (năm 2019 và năm 2020), Sở Tư pháp đã hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá cho 20 hồ sơ XPVPHC theo yêu cầu của các đơn vị.

- Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về XLVPHC: Từ năm 2015 đến năm 2020, UBND tỉnh đã thành lập các Đoàn Kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình XLVPHC tại các Sở, Ban, ngành, địa phương trong các lĩnh vực, gồm: An ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; giao thông; tài nguyên môi trường; bảo vệ phát triển rừng;… với 42 đơn vị được kiểm tra. Theo đó hàng năm, kiểm tra hàng trăm hồ sơ XPVPHC theo kế hoạch.

Các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, hàng năm cũng tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi, địa bàn quản lý. Thông qua hoạt động kiểm tra đã kịp thời nắm bắt, hướng dẫn các Sở, Ban, ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong thực tiễn thi hành pháp luật, đồng thời đưa ra những đề xuất, kiến nghị cụ thể, thiết thực để bảo đảm thực thi theo đúng các quy định pháp luật.

- Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về XLVPHC đã được các ngành, các cấp thực hiện nghiêm, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, tổ chức bị xâm phạm. Các vụ việc khiếu nại đã được giải quyết bảo đảm đúng quy định pháp luật.

- Cơ sở dữ liệu về XLVPHC: Ngay khi Nghị định số 20/2016/NĐ-CP có hiệu lực, tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay tỉnh chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu XLVPHC thống nhất trên toàn tỉnh do Chính phủ, Bộ Tư pháp chưa có hướng dẫn cụ thể việc xây dựng, triển khai và hướng dẫn cập nhật thông tin về XLVPHC trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC.

- Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về XLVPHC đã được tỉnh quan tâm. Về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC đều có trình độ chuyên ngành luật nên cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ quản lý nhà nước về thi hành pháp luật XLVPHC trên địa bàn tỉnh.

       - Về chế độ báo cáo, thống kê được thực hiện bảo đảm về nội dung và yêu cầu theo quy định.

       3. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình áp dụng, triển khai Nghị định số 81/2013/NĐ-CP cũng gặp những khó khăn, vướng mắc sau:

       Thẩm quyền của người được giao nhiệm vụ đứng đầu cơ quan, đơn vị về cưỡng chế quyết định XPVPHC và tạm giữ, tịch thu tang vật; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả độc lập, biện pháp ngăn chặn chưa có hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 81/2013/NĐ-CP; chưa có hướng dẫn về trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp, vụ việc đặc biệt nghiêm trọng theo khoản 1 Điều 66 Luật XLVPHC, do đó trên thực tế gặp nhiều khó khăn khi xác định thời hạn ban hành quyết định xử phạt. Trình độ và kinh nghiệm của người có thẩm quyền xử phạt, cán bộ, công chức tham mưu công tác XPVPHC ở một số lĩnh vực còn hạn chế, nên việc thiết lập hồ sơ xử phạt vẫn còn để xảy ra sai sót. Phương tiện làm việc, trang thiết bị phục vụ cho công tác XPVPHC, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế. Các điều kiện bảo đảm cho việc tạm giữ tang vật phương tiện vi phạm hành chính là hàng hóa phải bảo quản (hàng hóa đông lạnh, dễ hư hỏng, vắc xin…), con giống, cây giống,… trên thực tế khi tạm giữ tang vật cơ quan xử phạt không có các phương tiện, địa điểm tạm giữ bảo đảm tiêu chuẩn và một số khó khăn, vướng mắc khác.

4. Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, UBND tỉnh đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền:

Xem xét sửa đổi những khó khăn, vướng mắc trong triển khai áp dụng các quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP đã nêu trên. Hướng dẫn cụ thể vụ việc vượt thẩm quyền của các đơn vị thuộc cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa phương (như Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh…) thì chuyển lên cơ quan quản lý cấp trên (theo ngành dọc) hay Chủ tịch UBND nơi xảy ra hành vi vi phạm ra quyết định xử phạt hoặc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Xây dựng cơ sở dữ liệu về XLVPHC để địa phương có cơ sở ứng dụng trong thực tiễn theo Nghị định số 20/2016/NĐ-CP. Tăng cường công tác tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác XLVPHC theo hướng cụ thể, chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ công tác trong thời gian tới./.

                                                                                                       Minh Châu